Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 126 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.”
- Yếu tố cấu thành tội phạm
– Về khách thể của tội phạm: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội xâm phạm trực tiếp vào quyền sống của con người. Đối tượng tác động của loại tội này là thân thể con người đang sống một cách bình thường.
– Về mặt khách quan của tội phạm:
Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội là cố ý tước đoạt tính mạng người đang có hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác một cách không cần thiết.
Điều 126 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã có sự thay đổi so với Điều 96 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung 2008, bổ sung hành vi do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Đối với hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng:
Việc xác định hành vi này phải căn cứ vào chế định phòng vệ chính đáng (Điều 22 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Nạn nhân phải là người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của các nhân người phòng vệ hoặc của người khác. Đang có hành vi xâm phạm ở đây là hành vi đã bắt đầu và chưa kết thúc. Tuy nhiên, trường hợp hành vi xâm phạm này đã kết thúc, nhưng lại có tiếp hành vi khác của chính người đó xâm phạm đến lợi ích chính đáng cần bảo vệ thì cũng không coi là hành vi xâm phạm đã kết thúc và người có hành vi chống trả vẫn được coi là phòng vệ.
Về phía nạn nhân trong trường hợp phòng vệ phải là người có hành vi xâm phạm có tính chất nguy hiểm đáng kể. Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm không đáng kể thì hành vi chống trả không được coi là phòng vệ.
Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm lại là hành vi mà pháp luật cho phép, thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ. Hành vi trái pháp luật, trước hết là hanh vi phạm tội và những hành vi khác trái với quy định pháp luật khác.
Khi xem xét hành vi của người đang xâm phạm cũng cần phải chú ý đến mối quan hệ với hành vi chống trả để xác định sự chống trả trong trường hợp cụ thể.
Về phía người phòng vệ, chỉ có thể gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe cho người có hành vi xâm phạm.
Hành vi chống trả cần thiết phải căn cứ vào lợi ích bị xâm phạm, tính chất của hành vi và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ.
Lợi ích xâm phạm càng quan trọng bao nhiêu, thì hành vi chống trả càng phải mạnh mẽ bấy nhiêu. Tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm càng nguy hiểm và nghiêm trọng bao nhiêu thì hành chống trả càng phải quyết liệt bấy nhiêu.
Đối với hành vi do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
Việc xác định này nhất thiết phải căn cứ vào chế định gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).
Người bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội có thể là người có chức vụ, quyền hạn (cán bộ, công an, quân đội, hải quan, kiểm lâm,…) nhưng cũng có thể chỉ là người dân tham gia vào việc truy bắt người có hành vi phạm tộ cũng được hưởng chế độ này.
Nếu trong khi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu TNHS, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm củah ành vi và thiệt hại gây ra cho người phạm tội.
Người phạm tội là người đang chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc sau khi phạm tội họ bỏ chạy, có thể nói trường hợp này là đối với người phạm tội quả tang hoặc người có lệnh truy nã.
– Về chủ thể của tội phạm: Tội phạm được thực hiện do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
– Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Động cơ của hành vi là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Hình phạt
Trường hợp chỉ có 01 người bị giết thì người phạm tội bị truy cứu TNHS theo Khoản 1 Điều 126 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm, là tội phạm ít nghiêm trọng.
Phạm tối đối với 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.