CHỮ KÝ SỐ TRONG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Hiện nay, chữ ký số và chữ ký số trên văn bản điện tử đã được ứng dụng rộng  rãi trong các giao dịch điện tử của nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp kể từ thời điểm Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có hiệu lực. Tính đến năm 2014, theo một thống kê của Cục Chứng thực và Bảo mật thông tin, thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ thì có tới 76% cơ quan trung ương đã ứng dụng chữ ký số. Tỷ lệ này ở địa phương thấp hơn một chút với 71%.

Chữ ký số theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 26/2007/NĐ-CP là: “…một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

  1. Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
  2. Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên”.

Chữ ký số được phân loại thành:

  • Chữ ký số công cộng: là chữ ký số do thuê bao sử dụng chứng thư số được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp cho thuê bao tạo ra.
  • Chữ ký số chuyên dùng: là chữ ký số do thuê bao sử dụng chứng thư số được tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cấp cho thuê bao tạo ra.
  • Chữ ký số nước ngoài: là chữ ký số do thuê bao sử dụng chứng thư số nước ngoài tạo ra.

Giá trị pháp lý của chữ ký số được quy định tại Điều 8 Nghị định 26/2007/NĐ-CP và khoản 3 Điều 1 Nghị định 107/2013/NĐ-CP:

  1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số.
  2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số của người có thẩm quyển theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định 26/2007/NĐ-CP.
  3. Chữ ký số và chứng thư số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận theo quy định tại Nghị định này có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.

Hồ sơ xin cấp chứng thư số bao gồm:

  • Đơn xin cấp chứng thư số theo mẫu của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
  • Giấy tờ kèm theo bao gồm:

+ Đối với cá nhân: Bản sao hợp lệ chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;

+ Đối với tổ chức: bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức; văn bản ủy quyền và bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0915959569