Câu hỏi:
Kính chào Văn phòng Luật sư Đỗ Minh!
Tôi và chồng kết hôn năm 2012 và đã có một con chung được 2 tuổi và tôi đang mang bầu đứa thứ hai. Hiện nay, chồng tôi không hề quan tâm gì đến vợ con chỉ nghĩ tới ăn chơi bạn bè và gây nợ nần rất nhiều. Tôi đã khuyên nhủ nhiều lần và đã bỏ qua nhiều lần, Tuy nhiên anh ấy hứa sẽ thay đổi nhưng vẫn liên tục tái phạm, thậm chí còn chơi bời nhiều hơn và không thể khuyên bảo được nữa. Tôi có đề nghị ly hôn và nhận nuôi con thì nhất định anh ra không đồng ý và còn đe doạ: “Nếu mang con đi anh ấy sẽ giết cả nhà tôi”. Tôi không cần tài sản gì tôi chỉ cần được quyền nuôi con. Xin luật sư tư vấn giúp tôi về thủ tục để ly hôn, quy định và quyền nuôi con?
Trả lời
Chào bạn !
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Văn phòng Luật sư Đỗ Minh. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:
- Thứ nhất, về thủ tục giải quyết ly hôn:
– Để tiến hành thủ tục ly hôn theo yêu cầu của một bên thì bạn cần chuẩn bị các giấy tờ như sau:
+ Đơn xin ly hôn (theo mẫu)
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
+ Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);
+ Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);
+ Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở,…
+ Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nơi cư trú của bị đơn (chồng bạn)
– Bạn nộp hồ sơ ly hôn tại Toà án nhân dân quận/huyện nơi chồng bạn có hộ khẩu thuờng trú, hoặc cư trú.
– Thời hạn giải quyết: Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì Tòa án sẽ giải quyết ly hôn trong thời hạn tối đa là từ 5 đến 7 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án:
+ Thời hạn chuẩn bị xét xử: Từ 4 đến 6 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
+ Thời hạn mở phiên tòa: Từ 1 đến 2 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Thứ hai, về quyền nuôi con khi ly hôn:
Theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình khi ly hôn, vợ chồng thỏa thuận nuôi con cái, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ quyết định.
Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi do mẹ nuôi, con trên 7 tuổi thì phải xem xét nguyện vọng của con. Ngoài ra, tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Người không trực tiếp nuôi phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do hai bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, con bạn được 2 tuổi, nên bạn sẽ có quyền nuôi con. Và bạn cần đưa ra chứng cứ chứng minh với tòa án rằng, bạn có điều kiện tốt hơn chồng về mọi mặt để nuôi con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần như: căn cứ công việc thu nhập ổn định, có nhiều thời gian chăm sóc con,…và bạn có thể đưa ra những chứng cứ chứng minh việc chồng bạn không quan tâm đến con và có những thói quen không tốt ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Và khi bạn được quyền nuôi con thì chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trân trọng !