Câu hỏi:
Bạn Thu Minh gửi câu hỏi đến hòm thư vplsdominh@gmail.com với thắc mắc về việc công ty sa thải mình. Nội dung câu hỏi như sau: Em ký hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2017 thời hạn 1 năm. Sau thời gian làm việc, công ty tổ chức một buổi họp giữa em và lãnh đạo công ty. Nội dung buổi họp khiển trách em về việc làm việc thiếu chất lượng, trể deadline, vi phạm nội quy (nghe nhạc trong giờ làm việc)… Và thông báo cho em chấm dứt hợp đồng trước thời hạn mà không hề thông báo trước hay lập biên bản.
Luật sư cho em hỏi việc công ty em sa thải em như vậy có đúng quy định của pháp luật không?
Trả lời: Cảm ơn bạn Thu Minh đã gửi câu hỏi tư vấn đến Văn phòng Luật sư Đỗ Minh, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:
Căn cứ Điều 123 Bộ Luật Lao động năm 2012 thì việc xử lý kỷ luật sa thải phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự sau đây:
- a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
- b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
- c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
- d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định 05/2015 NĐ-CP quy định về trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi người chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.
Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tài Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, công ty khi xử lý kỷ luật lao động thì ngoài việc phải chứng minh được lỗi, còn cần phải có sự tham gia của người lao động và việc xử lý kỷ luật cần phải được lập thành biên bản. Công ty ra quyết định sa thải bạn như vậy là không đúng theo trình tự, quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động đã sa thải người lao động trái pháp luật. Bạn có thể căn cứ vào nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện. Theo đó, tại Điều 42 BLLĐ có quy định:
- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
Như vậy, việc công ty sa thải bạn là trái với quy định của pháp luật. Bạn có thể làm đơn khiếu nại lên công ty yêu cầu công ty chứng minh được lỗi của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Văn phòng Luật sư Đỗ Minh về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng liên hệ qua hotline của Văn phòng 0915.95.95.69 để được luật sư hỗ trợ kịp thời.