Căn cứ ly hôn theo quy định của Luật HNGĐ 2014
Ly hôn là một trong những vấn đề pháp lý được sự quan tâm của xã hội hiện nay. Nhiều khách hàng đã đến VPLS Đỗ Minh để xin tư vấn về vấn đề ly hôn. Trong đó, khách hàng thường hỏi đến những căn cứ pháp luật quy định nào để được ly hôn. Vì vậy, bài viết dưới đây phần nào giúp cho khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Khoản 14 Điều 3 Luật HNGĐ 2014).
Nhà nước bằng pháp luật quy định trong những điều kiện nào thì cho phép xác lập quan hệ vợ chồng, đồng thời xác định trong những điều kiện, căn cứ nhất định mới được xóa bỏ (chấm dứt) quan hệ hôn nhân. Đó chính là căn cứ ly hôn được quy định trong pháp luật của Nhà nước.
Như vậy, căn cứ ly hôn là những tình tiết (điều kiện) được quy định trong pháp luật và chỉ khi có những tình tiết (điều kiện) đó, Tòa án mới được xử cho ly hôn.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định những căn cứ để ly hôn như sau:
– Trường hợp ly hôn khi thuận tình ly hôn:
Thuận tình ly hôn là trường hợp cả vợ hoặc chồng cùng yêu cầu chấm dứt hôn nhân được thể hiện bằng đơn thuận tình ly hôn của vợ chồng.
Theo Điều 55 Luật HNGĐ năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.
Theo đó thì trong trường hợp hai vợ chồng có yêu cầu thuận tình ly hôn, sự tự nguyện của hai vợ chồng khi yêu cầu chấm dứt hôn nhân là một căn cứ quyết định việc chấm dứt hôn nhân. “Thật sự tự nguyện ly hôn” là cả hai vợ chồng đều được tự do bày tỏ ý chí của mình, không bị cưỡng ép, không bị lừa dối trong việc thuận tình ly hôn.
Ngoài ý chí thật sự tự nguyện xin thuận tình ly hôn của vợ chồng, đòi hỏi hai vợ chồng còn phải có sự thoả thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ và con, nếu vợ chồng không thoả thuận được hoặc tuy có thoả thuận nhưng không bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của vợ và con thì Toà án quyết định giải quyết việc ly hôn.
– Trường hợp khi ly hôn theo yêu cầu của một bên:
Ly hôn theo yêu cầu của một bên là trường hợp chỉ có một trong hai vợ chồng, hoặc cha, mẹ, người thân thích của một trong hai bên yêu cầu được chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”
Theo đó, khi ly hôn theo yêu cầu của một bên thì Tòa án cần dựa vào một trong ba căn cứ sau đây:
Thứ nhất, đối với trường hợp khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Trước tiên, khi có yêu cầu ly hôn của vợ, chồng, Toà án phải tiến hành điều tra và hoà giải, nếu hoà giải không thành thì Toà án cần xác định tình trạng của quan hệ hôn nhân, xem có căn cứ ly hôn không để giải quyết.
Để xác định “Hành vi bạo lực gia đình” gồm có những hành vi gì, ta căn cứ vào Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007:
– Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
– Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
– Cưỡng ép quan hệ tình dục;
– Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
– Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
– Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
– Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
“Vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng” được hiểu là hành vi của vợ, chồng không làm đúng và gây tổn hại một cách nghiêm trọng đến quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng. Vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng bao gồm vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân và vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản. Việc xác định vi phạm này cần phải căn cứ vào Luật HNGĐ 2014 và một số quy định trong các văn bản pháp luật khác.
Tuy nhiên, việc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng hay có hành vi bao lực chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ ở đây đó là làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” có thể được hiểu là vợ chồng sống không chung thủy với nhau, có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau mà thực tế đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn có tiếp tục quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly hôn, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi, hành hạ xúc phạm dẫn đến mục đích hôn nhân (xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững) không thể kéo dài.
Thứ hai, vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Quy định này đã cụ thể hóa hậu quả của việc Tòa án tuyên bố công dân bị mất tích trong BLDS 2015. Trong quan hệ hôn nhân gia đình, việc vợ hoặc chồng bị mât tích đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ vợ chồng và các thành viên trong gia đình. Cần phải giải phóng cho vợ hoặc chồng thoát khỏi tình trạng này, khi họ có yêu cầu ly hôn với người chồng (vợ) đã bị Tòa án tuyên bố mất tích.
Thứ ba, khi có yêu cầu ly hôn của người cha, mẹ, người thân thích khác tại Khoản 2 Điều 52 Luật HNGĐ 2014 và có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia thì Tòa án sẽ tiến hành giải quyết ly hôn. Đây là một điểm mới quan trọng của Luật HNGĐ 2014 so với Luật HNGĐ 2000. Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp muốn xin ly hôn thay cho người thân bị mất năng lực hành vi mà không thực hiện được do trước đây chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự (vợ, chồng) yêu cầu, trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.