TRAO ĐỔI VỀ ĐẤT BỊ THU HỒI

—————————–

       Bà Đường ở huyện Ba Vì – Hà Nội đến Văn phòng Luật sư Đỗ Minh chúng tôi trong tâm trạng rất mệt mỏi và bức xúc. Bà Đường cho biết cha bà là cụ ông Trần Văn Định và cụ bà Nguyễn Thị Tơ, có di sản để lại là quyền sử dụng đất diện tích 1000m2. Thực hiện dự án phát triển kinh tế và thành lập khu công nghệ cao, chủ đầu tư và chính quyền địa phương thời gian vừa qua đã thu hồi một phần đất của cha mẹ bà để lại thuộc di sản thừa kế chưa chia. Theo quyết định phương án đền bù và hỗ trợ tái định cư có thể đền bù bằng đất tái định cư hoặc bằng tiền. Bà đến Văn phòng nhờ Văn phòng chúng tôi tư vấn:

  • Xác định di sản là đất đã bị thu hồi, hay tiền đền bù và diện tích đất tái định cư? Hiện trong gia đình bà có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau về nhận thức. Vậy có trường hợp nào đất tái định cư không phải là di sản?

       Văn phòng Luật sư Đỗ Minh chúng tôi xin tư vấn và giải thích cho bà Đường như sau:

       Về xác định di sản: Khi di sản là đất đã bị thu hồi một phần, tính chất của di sản được xác định ngay ở thời điểm mở thừa kế là để xác định tính chất của giao dịch, trên cơ sở đó xác định đúng pháp luật cần áp dụng, đặc biệt là vấn đề áp dụng thời hiệu khởi kiện (thừa kế nhà ở thì áp dụng pháp luật nhà ở, thừa kế về đất thì áp dụng pháp luật về đất đai). Tuy nhiên từ khi mở thừa kế cho đến khi chia thừa kế thì di sản có thể thay đổi và việc chia di sản thừa kế là chia di sản thực tế còn tồn tại khi chia. Có thể xem xét đến diễn biến của di sản trước đó. Vì vậy, phần đất đã bị thu hồi không còn là đất di sản mà tiền đền bù mới là di sản.

      Đất tái định cư có phải là di sản hay không? Khi thu hồi đất, nhà nước trả cho chủ sử dụng đất tiền đền bù thu hồi đất trong một số trường hợp còn cấp đất tái định cư cho người đang sử dụng đất. Mục đích cấp đất tái định cư là tạo điều kiện tạo lập chỗ ở mới cho người đang sử dụng đất. Người đang sử dụng đất có thể là chủ sở hữu và cũng có thể không phải là chủ sở hữu đất nên nói chung, đất tái định cư không phải là khoản đền bù cho chủ sử dụng đất và do vậy đất tái định cư không đương nhiên là di sản (không đương nhiên chuyển hóa từ đất di sản đã bị thu hồi). Đất tái định cư chỉ là di sản khi được cấp không chỉ với mục đích tạo điều kiện có chỗ ở mới mà còn là đền bù bằng hiện vật (tiền đền bù bao gồm cả đất). Ví dụ như trong trường hợp quyết định thu hồi đất có ghi nếu nhận đất tái định cư thì được nhận tiền đền bù là 1 tỷ đồng, nếu không nhận đất tái định cư thì nhận tiền đền bù là 4,5 tỷ đồng .” thì đất tái định cư chính là một phần tiền đền bù thu hồi đất, là di sản của chủ sử dụng đất .

        Di sản là đất bị thu hồi (một phần hoặc toàn bộ) thì di sản để chia thừa kế là tiền đền bù thu hồi đất. Đất tái định cư được cấp do thu hồi đất không đương nhiên là tiền đền bù thu hồi đất nếu không có căn cứ xác định việc đền bù bằng hiện vật (đất ) hay có một phần bằng hiện vật.

        Văn phòng luật sư Đỗ Minh xin tư vấn giúp bà và gia đình .