ĐIỀU KIỆN LY HÔN

ĐIỀU KIỆN LY HÔN

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân về thực tế lẫn pháp lý ngay trong lúc cả vợ và chồng còn sống. Đây là biện pháp cuối cùng mà luật cho phép thực hiện trong trường hợp cuộc sống vợ chồng lâm vào tình trạng khủng hoảng không thể cứu vãn được bằng bất cứ biện pháp nào khác.

Pháp luật về Hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Khoản 14 Điều 3 Luật HNGĐ 2015)

Vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn “Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

  1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
  2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.…”

Thứ nhất, hôn nhân có giá trị và chưa chấm dứt. Để có thể chấm dứt hôn nhân bằng con đường ly hôn thì hôn nhân phải có giá trị về mặt pháp lý, được xác lập phù hợp với các quy định của pháp luật về việc kết hôn. Nếu trong trường hợp hai người không đăng ký kết hôn mà sống chung như vợ chồng, thì tòa án ra quyết định không thừa nhận quan hệ vợ chồng. Nếu một trong hai bên vợ hoặc chồng đã chết thì việc hôn nhân trên mặt pháp lý được coi là chấm dứt.

Thứ hai, Năng lực hành vi của người xin ly hôn. Người yêu cầu Tòa án quyết định cho ly hôn phải có năng lực hành vi. Người mất năng lực hành vi không thể nộp đơn xin ly hôn, tuy nhiên pháp luật quy định cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ  được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng; sức khỏe, tinh thần của họ.

Thứ ba, người xin ly hôn trên tinh thần tự nguyện, xuất phát từ ý chí của người đứng đơn. Tòa án có trách nhiệm trong việc kiểm tra tinh thần tự nguyện xin ly hôn, nếu người nộp đơn xin ly hôn hoặc ký vào đơn trong tình trạng bị cưỡng ép, hoặc trong tình trạng không ưng thuận hay ưng thuận không hoàn toàn thì tòa án có thể bác đơn mà không cần xem xét về nội dung. Không chỉ tự nguyện trong việc xin ly hôn  mà người có yêu cầu ly hôn phải thực sự mong muốn việc chấm dứt hôn nhân và phải duy trì ý chí đó  trong suốt thời gian diễn ra vụ án ly hôn.

Pháp luật về Hôn nhân gia đình Việt Nam không quy định về điều kiện thời gian hôn nhân tối thiểu. Về mặt lý thuyết, cặp vợ chồng có thể ly hôn ngay sau khi kết hôn. Tuy nhiên trên thực tế rất hiếm khi xảy ra sự việc như vậy.

Trường hợp chồng không có quyền ly hôn

Theo điều 51 luật hôn nhân và gia đình năm 2015 quy định, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Điều luật không áp dụng với người có yêu cầu xin ly hôn là người vợ. Kể cả trong trường hợp mà hai vợ chồng cùng tự nguyện xin ly hôn thì tòa án vẫn có cơ sở để không thụ lý vụ án trong thời gian người vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi bởi lý do người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn. Trái lại, đơn xin ly hôn vẫn có thể được tòa án thụ lý nếu người viết đơn và nộp đơn là người vợ. Điều luật này đước áp dụng ngay cả khi người vợ đang mang thai với người khác hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi do quan hệ với người khác mà không phải là con đẻ của người chồng. Trên thực tế, trong trường hợp này người chồng có thể chọn cách cắt đứt quan hệ sống chung như là ly thân. Pháp luật cũng không quy định là con nuôi, hay con đẻ. Vậy nên, trường hợp người vợ đang nuôi con nuôi dưới 12 tháng tuổi mà người chồng yêu nộp đơn xin ly hôn thì tòa án cũng không chấp nhận yêu cầu ly hôn của người chồng.

Trường hợp vợ hoặc chồng của người nộp đơn bị hạn chế năng lực hành vi

Một khi vợ hoặc chồng bị tuyên bố hạn chế năng lực hành vi, thì nhiều khả năng chồng hoặc vợ còn lại sẽ được chỉ định làm người đại diện. Bởi vậy, muốn xin ly hôn, thì vợ hoặc chồng là người đại diện phải xin chấm dứt vai trò đại diện của mình đối với người còn lại. Vấn đề đặt ra: nếu việc ly hôn là do “sáng kiến” của chính người bị hạn chế năng lực hành vi, thì liệu người này có thể tự mình đứng đơn yêu cầu hoặc phải thông qua vai trò của người đại diện ? Cũng như đối với việc giám hộ người đã thành niên mà không nhận thức được hành vi của mình, các quy định của BLDS liên quan đến việc đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi chủ yếu chi phối các giao dịch có tính chất tài sản; bởi vậy, không thể tìm trong các điều luật viết hiện hành các quy tắc liên quan đến các câu hỏi vừa nêu. Dẫu sao, có thể tin rằng người bị hạn chế năng lực hành vi, trong khung cảnh của luật thực định, chỉ bị kiểm soát để tránh sa vào những vụ phá tán tài sản; các giao dịch mang tính chất phi tài sản, như ly hôn, có thể được người này tự mình xác lập, thực hiện mà không cần sự đồng ý của người đại diện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0915959569