Điều kiện thành lập doanh nghiệp
Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam đang ngày càng phát triển. Cùng với đó là sự xuất hiện của rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ. Vậy, những cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng đủ những điều kiện gì để thành lập doanh nghiệp?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện pháp lí để thành lập doanh nghiệp bao gồm:
- Điều kiện về ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp khi ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục bị cấm kinh doanh. Theo Điều 6 Luật Đầu tư 2014 sửa đổi, bổ sung 2016 quy định cấm kinh doanh đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:
– Các chất ma túy (Phục lục I của Luật Đầu tư)
– Các loại hóa chất, khoáng vật (Phụ lục 2 của Luật Đầu tư)
– Mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã (Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp); mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên (Phụ lục 3 của Luật Đầu tư)
– Mại dâm
– Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người
– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người
– Kinh doanh pháo nổ.
- Điều kiện về tên doanh nghiệp
Tên doanh nghiệp phải hiển thị rõ loại hình doanh nghiệp (CTCP, TNHH,…). Bộ phận của tên doanh nghiệp không được trùng hay gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng kí, hoặc lạm dụng tên tuổi của cơ quan, tổ chức khác.
- Điều kiện về hồ sơ về lệ phí
Để được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập doan nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng kí doanh nghiệp hợp lệ và nộp đủ lệ phí đăng kí doanh nghiệp.
Hồ sơ hợp lệ là bộ hồ sơ có đủ các giấy tờ theo quy định và phải khai đúng hoặc và đầy đủ. Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp được thành lập, chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ với các loại giấy tờ khác nhau.
VD: 1 hồ sơ thành lập công ty cổ phần cần có đủ các loại giấy tờ sau đây:
– Giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp
– Điều lệ công ty
– Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
– Bản sao các giấy tờ: giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người thành lập doanh nghiệp, của cổ đông sáng lập, của cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hay đại diện của họ (CMT, hộ chiếu,…); giấy tờ chứng thực tổ chức hợp pháp đăng ký thành lập doanh nghiệp (quyết đinh thành lập doanh nghiệp,…)
Ngoài ra, nộp đủ lệ phí cũng là một điều kiện bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp.
- Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp
Chủ thể thành lập doanh nghiệp là những cá nhân, tổ chức có quyền thành lập doanh nghiệp, không thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp được thành lập bởi các chủ thể bị cấm thành lập doanh nghiệp thì sẽ bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định những tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập doanh nghiệp:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình
– Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
– Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
- Điều kiện về vốn pháp định
Vốn pháp định là mức vốn tổi thiểu do pháp luật quy định đối với một số ngành, nghề kinh doanh, được quy định trong một số pháp luật chuyên ngành. Nhà đầu tư cần có đủ vốn pháp định từ khi thành lập và phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
VD: vốn pháp định của kinh doanh bất động sản không được thấp hơn 20 tỷ đồng (Khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh BĐS 2010) hay mức vốn pháp định của ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ (Điều 13 Nghị định 104/2007/NĐ-CP).