Theo kết quả thống kê các vụ việc tại các Tòa án trên cả nước, hiện nay trung bình mỗi năm có khoảng 200 nghìn vụ liên quan đến ly hôn. Tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện nay là 31,4%. Trong đó, khi ly hôn, tranh chấp giữa các cặp vợ chồng phần lớn đều liên quan đến việc phân chia tài sản chung vợ chồng.
Sau khi kết hôn, vợ chồng có cuộc sống sinh hoạt chung, việc phát sinh tài sản chung và nhập, sáp nhập hay trộn lẫn tài sản riêng của vợ/chồng với khối tài sản chung là bình thường. Tuy nhiên, hầu hết các cặp vợ chồng đều không chú ý tới việc xác định tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào được coi là tài sản riêng theo quy định của pháp luật? Vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, rất khó để có thể phân định được đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng và phân chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn như thế nào.
Hiện nay pháp luật quy định rằng vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận về vấn đề phân chia tài sản sau khi ly hôn; trường hợp vợ chồng không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc thỏa thuận bị Tòa án tuyên vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn; những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật HN&GĐ để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn (theo khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP)
Mỗi người có mức thu nhập khác nhau, công sức đóng góp vào khối tài sản chung vợ chồng là khác nhau. Vì vậy, tâm lý người có đóng góp phần nhiều hơn sẽ đòi phần hơn cho mình. Để đảm bảo quyền lợi của các bên khi ly hôn, khi áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
“a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.” – khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ 2014 (hướng dẫn chi tiết tại khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).
Trên thực tế, đã có rất nhiều tòa án xét xử tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn vận dụng nguyên tắc trên, trong đó Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2016/HN-GĐ ngày 23/01/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Nha Trang là một ví dụ cho thấy sự vận dụng pháp luật vào trường hợp cụ thể:
Anh A và chị B kết hôn năm 1989. Do mâu thuẫn nên tháng 12/2015, A và B thuận tình ly hôn. A và B có 2 con chung là C sinh năm 1990 và D sinh năm 2002 hiện đang sống với bố mẹ. Tài sản chung có hai căn nhà, một căn nhà 3 tầng hiện là nơi kinh doanh vàng bạc, ăn ở sinh hoạt của gia đình và một căn nhà 2 tầng hiện đang cho thuê. A và B cùng yêu cầu được sử dụng căn nhà 3 tầng hiện gia đình đang sử dụng. Theo thỏa thuận, A nhận nuôi C và B nhận nuôi D. A và B không thỏa thuận được về việc phân chia khối tài sản chung. Trường hợp này, Tòa án sẽ áp dụng chế độ tài sản theo luật định đối với khối tài sản chung của A và B. Khi chia tài sản, phải cân nhắc đến những yếu tố được đề cập tại khoản 2 Điều 59 Luât HN&GĐ 2014. Và thực tế, Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã giải quyết tranh chấp giữa A và B bằng Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2016/HN-GĐ với nội dung khái quát như sau:
- Về hoàn cảnh của vợ chồng: A và B không có hoàn cảnh đặc biệt hay khó khăn hơn bên kia sau khi ly hôn.
- A và B không vi phạm quyền và nghĩa vụ vợ chồng.
- Về công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung: Đối với ngôi nhà 2 tầng đang cho thuê, đây là tài sản A và B mua, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và không chứng minh được công sức đóng góp của ai nhiều hơn trong việc tạo lập, xây dựng. Đối với ngôi nhà 3 tầng, A và B đều thừa nhận sau khi kết hôn, vợ chồng cùng làm ăn và mua đất làm nhà và mở cửa hiệu kinh doanh vàng bạc. Vợ chồng cùng nhau quản lý công việc kinh doanh của cửa hàng.
- Về yếu tố bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập: A và B đều có yêu cầu được giao ngôi nhà 3 tầng. Tuy nhiên, xét thấy A và B hiện cùng kinh doanh cửa hàng vàng bạc tại ngôi nhà 3 tầng. Ngoài cửa hàng này, A hiện đang đứng tên thuê 1 ki ốt để kinh doanh vàng bạc. Như vậy, ngoài địa điểm kinh doanh là ngôi nhà 3 tầng, A vẫn còn 1 ki ốt để kinh doanh, ổn định nghề nghiệp, đảm bảo cuộc sống. Mặt khác, B nuôi con nhỏ (cháu D 14 tuổi) nên cần được giao căn nhà 3 tầng để thuận lợi cho việc kinh doanh, ổn định cuộc sống của B và cháu D.
Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2016/HN-GĐ ngày 23/01/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Nha Trang đã “chia tài sản là ngôi nhà 3 tầng cho B sử dụng, chia căn nhà 2 tầng cho A sử dụng, đồng thời B phải trả chênh lệch tài sản cho A là 833.504.682 đồng”.
Văn phòng luật sư chúng tôi nhận thấy bản án mà Tòa án nhân dân Thành phố Nha Trang đưa ra là hợp tình, hợp lý, đã xét đến các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ 2014 như: hoàn cảnh gia đình của hai vợ chồng, công sức đóng góp, các yếu tố liên quan đến lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp…, đảm bảo điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập và quyền và lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
- Hai ngôi nhà là tài sản đang có tranh chấp. Vấn đề là cả hai đều muốn nhận ngôi nhà 3 tầng. Tuy nhiên, xét thấy chị B là phụ nữ, lại nuôi con chưa thành niên là D nên Tòa án quyết định giao ngôi nhà này cho chị B, một phần bảo vệ quyền lợi của phụ nữ vào con, một phần tạo điều kiện cho chị B và cháu D tiếp tục sinh hoạt, làm việc.
- Anh A nhận nuôi cháu C đã trưởng thành, hơn nữa, anh vẫn còn 1 ki-ốt để tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng bạc đảm bảo cuộc sống nên Tòa án quyết định giao ngôi nhà 2 tầng cho anh A là phù hợp.
- Giá trị tài sản của hai ngôi nhà không bằng nhau. Do đó, chị B phải trả cho anh A mức chênh lệch là 833.504.682 đồng để đảm bảo sự công bằng trong việc phân chia tài sản chung giữa vợ và chồng.
Việc chia tài sản chung giữa vợ và chồng theo chế độ tài sản luật định là chia đôi, tuy nhiên trên thực tế có những tài sản không thể “cưa năm xẻ bảy”, và người nào cũng muốn nhận phần tải sản này (tương tự như ngôi nhà 3 tầng của A và B). Do vậy, lúc này, chúng ta phải cần đến quy định của pháp luật và sự vận dụng khéo léo những quy định này của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là ý kiến của chúng tôi về việc xem xét các yếu tố khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi.
Để được hỗ trợ dịch vụ pháp lý về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, vui lòng liên hệ Văn phòng Luật sư Đỗ Minh – Địa chi: P602, số 27 ngõ 28 Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội. Hotline: 0243.2222.879