Trách nhiệm kỷ luật của công chức

Trách nhiệm kỷ luật của công chức

Công chức phải chịu trách nhiệm kỷ luật trong mọi trường hợp vi phạm pháp luật. Trách nhiệm kỷ luật được xác định là trách nhiệm pháp lí do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền áp dụng đối với cán bộ, công chức vi phạm các quy định về nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp; vi phạm các quy định về những việc công chức không được làm và vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên là có tội hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì các hình thức xử lí kỷ luật đối với công chức bao gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trong đó, việc giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (Khoản 2 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008).

Công chức bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm (Khoản 3 Điều 79 Luật Cán bộ, công chức 2008).

Thời hiệu xử lí kỷ luật (thời hạn do pháp luật quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lí kỷ luật) là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm (Khoản 1 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức 2008).

Theo Khoản 2 Điều 80        Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định: “Thời hạn xử lý kỷ luật đối với … công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của … công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Thời hạn xử lý kỷ luật công chức được xác định là 2 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 4 tháng.

Công chức bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo thì bị kéo dài thời gian nâng bậc lương thêm 6 tháng; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định quyết định có hiệu lực (Khoản 1 Điều 82 Luật Cán boọ, công chức 2008).

Công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm. Công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc. Công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Quyết định kỷ luật được lưu vào hồ sơ công chức.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0915959569